Tình hình kinh tế - xã hội tháng 6 tiếp tục xu hướng tích cực, nhiều lĩnh vực đạt kết quả tốt hơn so với tháng 5 và 5 tháng đầu năm, quý II nhìn chung tốt hơn quý I, đóng góp vào kết quả chung của 6 tháng đầu năm 2023.
GDP 6 tháng đầu năm 2023 tăng 3,72%, chỉ cao hơn mức tăng 1,74% ở kỳ 6 tháng năm 2021, và thấp hơn nhiều khi so với cùng kỳ năm ngoái 2022 với tốc độ tăng GDP 6,46%.
Nhìn chung kinh tế quý 2/2023 và 6 tháng đầu năm tiếp tục chịu ảnh hưởng từ những yếu tố bất lợi của nền kinh tế thế giới như: Chiến sự Nga-Ukraine kéo dài, lạm phát toàn cầu dù đã hạ nhiệt nhưng vẫn ở mức cao, ngân hàng Trung ương của nhiều quốc gia vẫn theo đuổi chính sách tiền tệ thắt chặt, nhiều nền kinh tế lớn đối tác thương mại quan trọng của Việt Nam đã tăng trưởng chậm lại, thậm chí rơi vào suy thoái.
Nông nghiệp tiếp tục là bệ đỡ vững chắc của nền kinh tế trong khó khăn; lúa gạo được mùa, được giá; năng suất lúa Đông Xuân tăng 1,6 tạ/ha; sản lượng đạt 20,2 triệu tấn, tăng 232 nghìn tấn; 6 tháng xuất khẩu 4,27 triệu tấn gạo, giá trị 2,3 tỷ USD, tổng giá trị nông sản xuất khẩu đạt 24,6 tỷ USD.
Giá trị tăng thêm ngành công nghiệp 6 tháng đầu năm 2023 tăng 0,44% so với cùng kỳ năm trước, là mức tăng thấp nhất của cùng kỳ các năm trong giai đoạn 2011-2023, đóng góp 0,15 điểm % vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm toàn nền kinh tế.
- Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 0,37%, đóng góp 0,1 điểm %.
- Ngành sản xuất, phân phối điện tăng 1,79%, đóng góp 0,07 điểm %.
- Ngành khai khoáng giảm 1,43%.
- Ngành xây dựng tăng 4,74%, đóng góp 0,31 điểm %. Trong 6 tháng đầu năm, số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới giảm 0,5% so với cùng kỳ năm 2022.
Các chính sách kích cầu tiêu dùng nội địa, các hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch được đẩy mạnh đã góp phần duy trì tăng trưởng của khu vực dịch vụ. Ngành có đóng góp lớn vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm toàn nền kinh tế như sau:
- Bán buôn, bán lẻ đóng góp 0,88 điểm %.
- Ngành vận tải, kho bãi đóng góp 0,45 điểm %.
- Hoạt động tài chính, ngân hàng, bảo hiểm đóng góp 0,4 điểm %.
- Dịch vụ lưu trú, ăn uống đóng góp 0,37 điểm %.
- Tính đến thời điểm 20/6/2023, tổng phương tiện thanh toán tăng 2,53%; huy động vốn của các tổ chức tín dụng tăng 3,26%; tăng trưởng tín dụng đạt 3,13%.
- Tổng doanh thu phí bảo hiểm 6 tháng đầu năm ước đạt 117 nghìn tỷ đồng, giảm 1,62%.
- Tính từ đầu năm đến nay, giá trị giao dịch bình quân trên thị trường cổ phiếu đạt 13.118 tỷ đồng/phiên, giảm 35,7% so với năm 2022; giá trị giao dịch bình quân trên thị trường trái phiếu giảm 27,2%; khối lượng giao dịch bình quân trên thị trường chứng khoán phái sinh giảm 11%.
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6/2023 tăng 0,27% so với tháng trước. Bình quân 6 tháng đầu năm 2023, CPI tăng 3,29%.
Giá thực phẩm tăng, giá điện sinh hoạt tăng do thời tiết nắng nóng kéo dài là những nguyên nhân chính làm CPI tháng 6/2023 tăng 0,27% so với tháng trước.
Bình quân 6 tháng đầu năm 2023, lạm phát cơ bản tăng 4,74% so với cùng kỳ 2022, cao hơn mức CPI. Nguyên nhân chủ yếu do bình quân giá xăng dầu trong nước giảm 18,27% so với năm trước, giá gas giảm 9,99% là yếu tố kiềm chế tốc độ tăng của CPI nhưng thuộc nhóm hàng được loại trừ trong danh mục tính lạm phát cơ bản.
Trước những khó khăn, thách thức của kinh tế-xã hội toàn cầu, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sát sao chỉ đạo về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm cùng nhiều chính sách, giải pháp để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân với quyết tâm tạo động lực đột phá để phát triển kinh tế theo mục tiêu đã đề ra. Cùng với đó, sự đồng thuận, ủng hộ và tham gia tích cực của Nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp là yếu tố quan trọng giúp nền kinh tế nước ta vượt qua những khó khăn, thách thức.
Theo số liệu thống kê, GRDP của thành phố Đà Nẵng ước tăng 3,74% so với cùng kỳ năm 2022. Đặc biệt, so với 6 tháng đầu năm 2019, thời điểm chưa có COVID-19, GRDP 6 tháng đầu năm 2023 đã tăng 13,48%.
Về tốc độ tăng trưởng, Đà Nẵng xếp thứ 3/5 thành phố trực thuộc Trung ương; xếp thứ 46/63 địa phương trên cả nước. Về quy mô GRDP, Đà Nẵng đứng thứ 4/5 thành phố trực thuộc Trung ương; xếp thứ 17 cả nước.
Theo ông Trần Văn Vũ, Cục trưởng Cục Thống kê thành phố Đà Nẵng, quy mô nền kinh tế thành phố 6 tháng qua ước đạt hơn 64.784 tỷ đồng, tăng hơn 5.318 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó: khu vực dịch vụ mở rộng nhiều nhất với gần 4.810 tỷ đồng; khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản mở rộng hơn 122 tỷ đồng; khu vực công nghiệp – xây dựng mở rộng chỉ 17 tỷ đồng.
Chỉ số giá tiêu dùng 6 tháng đầu năm 2023 (CPI) tăng 6,74% so với cùng kỳ năm 2022. Trong mức tăng 6,74% của CPI, có 2/11 nhóm hàng có chỉ số giá giảm, 9/11 nhóm hàng có chỉ số giá tăng.
Dự báo tình hình từ nay đến cuối năm, Cục trưởng Cục Thống kê thành phố Đà Nẵng Trần Văn Vũ cho rằng với mức tăng trưởng 3,74% của 6 tháng đầu năm, Đà Nẵng phải vượt nhiều thách thức để đạt mục tiêu theo kế hoạch là tăng trưởng 7% trong năm 2023.
Để đạt mục tiêu đã đề ra, các cấp, các ngành cần tăng cường dự báo, chủ động điều hành linh hoạt, phù hợp với tình hình mới, kịp thời ứng phó với các tình huống phát sinh, tập trung triển khai hiệu quả đồng bộ các chính sách hỗ trợ phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội.
Xem thêm: Bắt đầu có thanh khoản tốt ở những dự án thực với chính sách hấp dẫn