Tin tức

THÁO GỠ KHÓ KHĂN VỀ PHÁP LÝ VÀ TÀI CHÍNH CHO THỊ TRƯỜNG BẤT ĐỘNG SẢN

Thị trường bất động sản đang gặp những thách thức rất lớn, bao gồm khó khăn về dòng tiền và các nút thắt pháp lý đã ảnh hưởng đến sự vận hành ổn định, bền vững của các thành viên thị trường. Đề cập đến các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về pháp lý và tài chính cho thị trường bất động sản hiện nay, các chuyên gia khẳng định còn nhiều dư địa để phát triển thị trường bất động sản, nhưng thị trường cần lành mạnh hơn. Phải kiến tạo cho phát triển, quản lý rủi ro, chứ không phải siết cho chặt.

Thị trường bất động sản đình trệ do chịu tác động bởi những vấn đề vướng mắc về pháp lý

Vướng mắc pháp lý chiếm đến 70% khó khăn, vướng mắc của các dự án bất động sản

Trong gần hai năm qua, thị trường bất động sản đã xuất hiện những nút thắt lớn khiến doanh nghiệp và các nhà đầu tư bị suy giảm mạnh. Đặc biệt, từ nửa cuối năm 2022, các doanh nghiệp bất động sản rơi vào cảnh “tiến thoái lưỡng nan” khi dự án bị đình trệ, dòng tiền bị tắc nghẽn và áp lực trả nợ đè nặng. Đặc biệt, tình trạng đình trệ của thị trường bất động sản thời gian vừa qua có sự tác động lớn nhất bởi những vướng mắc pháp lý chiếm đến 70% khó khăn, vướng mắc của các dự án.

Thực tiễn cho thấy một số địa phương thiếu chủ động, quyết liệt trong chỉ đạo, giải quyết các khó khăn, vướng mắc theo thẩm quyền, tâm lý né tránh không muốn làm, cũng như trong phối hợp với các cơ quan Trung ương để giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp; Ngoài ra, nhiều quy định pháp luật còn chồng chéo, việc áp dụng pháp luật còn thiếu thống nhất, chưa đồng bộ.

Thời gian vừa qua, Chính phủ và các Bộ, Ngành đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách tác động trực tiếp và gián tiếp đến lĩnh vực bất động sản như Nghị quyết số 33/NQ-CP của Chính phủ về một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững; Nghị định số 10/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định hướng dẫn Luật Đất đai, đặc biệt dự kiến tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội Khoá XV sẽ thông qua Luật Nhà ở, Luật kinh doanh bất động sản sửa đổi và Luật đất đai sửa đổi...

Các chuyên gia tin rằng các chính sách có thể tháo gỡ được nhiều nút thắt của thị trường bất động sản, tuy nhiên cần có những giải pháp đồng bộ hơn bao gồm quy trình pháp lý, tiếp cận nguồn vốn để tạo thanh khoản và nguồn cung sản phẩm, cần được bàn luận, kiến giải từ các chuyên gia và các thành viên thị trường.

Thị trường bất động sản còn nhiều dư địa, nhưng cần giải pháp mạnh

Theo phân tích của TS. Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính - tiền tệ Quốc gia, có 6 yếu tố chính tác động tới bất động sản: kinh tế vĩ mô (lạm phát, lãi suất, tỷ giá, cung tiền, đầu tư...); môi trường pháp lý, cách thức quản lý và giám sát bất động sản (vấn đề về quản lý và giám sát); quy hoạch và kết cấu hạ tầng; tài chính (nguồn vốn, thuế và phí, thị trường sơ cấp và thứ cấp giao dịch bất động sản); cung cầu và giá cả; thông tin dữ liệu minh bạch. Hiện nay, tập trung chính vào pháp lý và tài chính. Trong đó, pháp lý là rào cản, khó khăn lớn nhất.

Chuyên gia kinh tế, TS. Cấn Văn Lực

Cụ thể quy định pháp lý trong lĩnh vực đất đai, xây dựng và bất động sản hết sức phức tạp liên quan đến hơn 100 Luật, Nghị định, Thông tư... trong đó có nhiều quy định còn chồng chéo, thiếu nhất quán, thiếu đồng bộ. Bên cạnh đó, nhiều định pháp lý chưa đầy đủ, chưa được hướng dẫn kịp thời, chưa sát thực tiễn như: quy định giao đất, cho thuê đất trên thực địa, phương pháp xác định giá đất; thời điểm tính tiền sử dụng đất, tiền thuê đất; thời gian miễn tiền thuê đất trong thời gian xây dựng cơ bản; thời gian hoạt động dự án đối với dự án giao đất nhiều lần; vướng mắc trong thủ tục lựa chọn nhà đầu tư có sử dụng đất... Cuối cùng là tâm lý sợ sai, sợ trách nhiệm, đùn đẩy...; làm chậm, thậm chí là ách tắc nhiều dự án.

Đề cập đến các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về pháp lý và tài chính cho thị trường bất động sản hiện nay, TS. Cấn Văn Lực nhấn mạnh, cần tiếp tục hoàn thiện thể chế cụ thể để đẩy nhanh tiến độ sửa đổi các sắc luật liên quan như Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Chứng khoán.. Tăng cường rà soát đảm bảo đồng bộ, nhất quán giữa các bộ luật liên quan.

Đối với các doanh nghiệp xây dựng và bất động sản, cần kiến nghị đúng, trúng, kiên trì, có giải pháp phù hợp. Có kế hoạch cụ thể, khả thi thanh toán nợ trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn. Quyết liệt đẩy mạnh cơ cấu lại; đa dạng hóa nguồn vốn (ngoài tín dụng ngân hàng, còn có phát hành trái phiếu, cổ phiếu, quỹ đầu tư, quỹ REIT, thuế tài chính...). Huy động vốn gắn với mục đích sử dụng vốn cụ thể; giảm đòn bẩy tài chính, hạn chế đầu tư dàn trải. Hướng tới minh bạch, chuyên nghiệp hơn, nhất là hồ sơ thuế, tín dụng, hồ sơ phát hành chứng khoán, thực hiện các cam kết với nhà đầu tư, các bên liên quan. Quan tâm quản lý rủi ro (pháp lý, lãi suất, tỷ giá, dòng tiền, đòn bẩy tài chính...); tăng trưởng xanh, chuyển đổi số, chuyển dịch năng lượng để đón đầu xu hướng.

CÔNG TY CỔ PHẦN TẬP ĐOÀN ĐỊA ỐC SCD

hotro@scdgroup.vn
0943 243 243
TS: 06 Xô Viết Nghệ Tĩnh, Hải Châu, Đà Nẵng
CN: 150-152 Nguyễn Phước Lan, Cẩm Lệ, Đà Nẵng