Thị trường bất động sản là lĩnh vực nhạy cảm dễ dàng chịu ảnh hưởng nhất từ nhiều yếu tố vĩ mô. Trong đó, có 6 yếu tố tác động lớn đến thị trường bất động sản bao gồm:
1: Ổn định kinh tế vĩ mô
Trong năm 2022 xuất khẩu ước đạt 380 - 384 tỷ USD, tăng khoảng 14%, cán cân thương mại thặng dư (khoảng 10 tỷ USD), góp phần hỗ trợ ổn định tỷ giá và các cân đối vĩ mô khác. Việc giải ngân FDI tiếp tục khả quan, ước đạt 21 - 22 tỷ USD, tăng 13% so với năm trước. Thu - chi ngân sách đạt kết quả tích cực nhờ kinh tế phục hồi; trong đó ước thu ngân sách cả năm 2022 vượt 14% kế hoạch đề ra và tăng mạnh 20% so với cùng kỳ năm 2021, giúp ngân sách nhà nước thặng dư (một phần do chi đầu tư phát triển còn ở mức thấp so với kế hoạch)…
Năm 2023, Quốc hội và Chính phủ tiếp tục kiên định ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế, tiếp tục đẩy nhanh các cấu phần trong quy mô của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2022 - 2023, các chương trình mục tiêu quốc gia và giải ngân đầu tư công.
2: Pháp lý và thách thức trong quản lý
Trong năm 2023, được xem là năm các nút thắt về pháp lý trong bất động sản sẽ dần được tháo gỡ. Việc tháo gỡ các nút thắt, điểm nghẽn về pháp lý, nhằm giúp doanh nghiệp hoạt động lành mạnh, hiệu quả, nâng cao sức cạnh tranh là rất cần thiết, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia trong bối cảnh hiện nay.
Song song với pháp lý, vấn đề quản lý cũng cần được giám sát chặt chẽ, việc quản lý rõ ràng và minh mạch sẽ hỗ trợ rất cao trong giai đoạn xây dựng lại thị trường.
3: Quy hoạch và cơ sở hạ tầng
Nâng cao chất lượng đô thị hướng đến phát triển bền vững, bảo đảm quy hoạch đô thị phải có tầm nhìn dài hạn, đồng bộ và hiện đại, lấy con người và chất lượng cuộc sống làm trung tâm; văn hóa và văn minh đô thị làm nền tảng phát triển.
Kết hợp hài hoà giữa quá trình đô thị hoá, phát triển đô thị với công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng nông thôn mới và cơ cấu lại nền kinh tế, quản lý phát triển xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh. Quy hoạch đô thị và phát triển kết cấu hạ tầng các đô thị phải đi trước một bước và tạo ra nguồn lực chủ yếu cho phát triển đô thị.
Các bộ, ngành liên quan phỉa tiến hành rà soát, đốc thúc về vấn đề xây dựng để đồng bộ và chỉn chu từ thiết kế đến triển khai, hoàn thiện cơ sở hạ tầng không chỉ đẩy mạnh phát triển kinh tế xã hội mà còn giúp ngành bất động sản phát triển mạnh mẽ sau mỗi chu kỳ.
4: Hoàn thiện thị trường tài chính
Hoàn thiện thể chế, tăng cường kiểm tra, nâng cao tính minh bạch và hiệu quả cho thị trường tài chính, quan tâm kiểm soát rủi ro hệ thống tài chính; tăng cường củng cố niềm tin của nhà đầu tư. Đồng thời, cần đẩy nhanh quá trình sửa đổi các Luật liên quan đến lĩnh vực tài chính như: Luật Chứng khoán, Luật các tổ chức tín dụng, Luật Doanh nghiệp, Luật Đấu giá, Luật Đấu thầu...
Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước và các bộ, ngành liên quan, đẩy nhanh tiến độ ban hành, tháo gỡ vướng mắc văn bản pháp lý hỗ trợ chuyển đổi số, Fintech và giải ngân gói hỗ trợ lãi suất 2% thuộc Chương trình phục hồi. Cùng với đó, đẩy nhanh tiến độ cơ cấu lại các tổ chức tài chính và thị trường tài chính (theo các đề án đã ban hành); lưu ý đảm bảo thanh khoản hệ thống tổ chức tín dụng, an toàn của các công ty chứng khoán, hạn chế tối đa tác động lan truyền, sửa các quy định về trái phiếu doanh nghiệp.
5: Tập trung ổn định nguồn vốn
Nguồn vốn hiện tại dành cho bất động sản đến từ vốn tín dụng và các kênh vốn khác (huy động vốn cộng đồng,...) đang nhận được nhiều sự quan tâm của thị trường. Mới đây, Thủ tướng đã chỉ đạo tập trung 3 vấn đề lớn: vốn, trái phiếu doanh nghiệp và thị trường bất động sản. Đồng thời thành lập 3 nhóm công tác cho 3 nhóm vấn đề này. Đây sẽ là 3 vấn đề chính cần tập trung của nền kinh tế trong thời gian tới. Nguồn vốn được tập trung giải quyết sẽ giúp cho bức tranh thị trường bất động sản khởi sắc và việc bùng nổ thị trường trở lại là điều chắc chắn.
6: Tính minh bạch của thông tin dữ liệu thị trường về cung - cầu và giá
Cần đảm bảo các thông tin đưa ra thị trường phải rõ ràng, chính xác và minh bạch, hướng đến nhu cầu thực của khách hàng, giúp khách hàng nắm rõ về tình hình thị trường, điều này cũng góp phần điều chỉnh thị trường bất động sản trong thời gian tới.
Nhìn chung, ở hướng tích cực, kinh tế Việt Nam vẫn được ví như một ngôi sao trong khu vực Đông Nam Á về tăng trưởng và hồi phục kinh tế trong năm 2023. Theo đó, thu hút rất nhiều các nhà đầu tư lớn từ: Mỹ, Trung Quốc, châu Âu…Hiện nay, Thủ Tướng đã quyết liệt chỉ đạo để đưa ra các cơ chế chính sách, giải pháp biện pháp hỗ trợ lĩnh vực bất động sản, các Bộ, Ngành liên quan và doanh nghiệp cần bắt tay nhanh chóng khẩn trương để giải quyết các vấn đề còn tồn đọng trong năm 2023, giúp thị trường có thể phục hồi trong quý III/2023.